Hiện trạng chất lượng nhà tái định cư lâu nay đang là vấn đề nan giải, nhà xuống cấp nhanh, cơ sở tiện ích xã hội thiếu đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật liên tục hỏng hóc... Đây cũng là lý do khiến người dân thờ ơ, ngần ngại với nhà tái định cư.
Số lượng tăng, chất lượng giảm
10 năm nay, Hà Nội mới
chỉ xây dựng được 14.000 căn trong khi mỗi năm, Hà Nội cần 5.000 - 10.000 căn
TĐC. Tuy nhiên nhà thì xây rồi nhưng dân lại không mặn mà về ở bởi chất lượng
chưa đảm bảo được đời sống, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, nếu so sánh với nhà ở
xã hội thì chất lượng không bằng trong khi giá lại cao hơn.
Hiện nhà tái định cư
đang xây theo cơ chế bao cấp, cơ quan quản lý và vận hành là Công ty Quản lý và
Phát triển nhà, trong khi đơn vị xây dựng lại là các chủ đầu tư và không bị
ràng buộc trách nhiệm. Họ xây xong, bất kể chất lượng thế nào cũng được
"tặc lưỡi" đưa vào sử dụng dẫn đến tình trạng các công trình xuống
cấp nhanh chóng, chất lượng kém, hỏng hóc.
Ngoài ra, các khu TĐC
chưa được quy hoạch đồng bộ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội yếu, thiếu gắn kết,
khiến người dân sinh hoạt khó khăn, bất tiện trong mua sắm, kinh doanh và học
hành. Bên cạnh đó, việc người dân không được chọn căn, chọn tầng, chọn chỗ ở
theo nhu cầu và khả năng tài chính của mình từ đó nảy sinh nhiều vấn đề bất cập
dẫn đến tình trạng xin - cho, mua bán suất nhà TĐC.
Để người dân không còn e ngại nhà Tái Định Cư
Các nhà quản lý cần
phải thay đổi cơ chế đầu tư, xây dựng nhằm xóa bỏ e ngại trong dân với nhà TĐC.
Cụ thể, nhà TĐC cần được tiêu chuẩn hóa, các yếu tố giá cả, chất lượng, nội
thất, kết cấu, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phải có tiêu chí riêng. Chủ đầu
tư chỉ được nhận thầu xây dựng khi cam kết đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu đề
ra.
Bên cạnh đó, cần nâng
cao trách nhiệm của chủ đầu tư vào chất lượng công trình. Nhằm khắc phục việc
các khu nhà TĐC thiết hụt cơ sở vật chất hạ tầng, Nhà nước cũng nên dành những
quỹ đất sạch, đã có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội để ưu tiên xây dựng và tạo
dựng sẵn quỹ nhà TĐC. Với người dân, nên cho phép được lựa chọn căn hộ theo nhu
cầu và có khung giá cho từng căn hộ khác nhau. Với người muốn ở vị trí đẹp, căn
hộ diện tích lớn hơn thì phải chấp nhận thêm tiền so với căn hộ kém diện tích
và vị trí xấy hơn. Đây sẽ là cách giúp hạn chế được tình trạng xin - cho, mua
bán suất tái định cư.
Mặt khác, để quản lý
nhà TĐC, cần đưa những công ty chuyên nghiệp tham gia vào quá trình vận hành,
quản lý, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, đồng thời giảm thiểu thủ tục rườm rà,
rút ngắn thời gian khi phải đề xuất Nhà nước xây sửa. Ngoài ra, với đơn vị quản
lý tòa nhà nên tạo điều kiện cho khai thác hạ tầng, lấy thu bù chi, thúc đẩy
trách nhiệm, tăng cạnh tranh.
Một vấn đề cốt lõi là
cần giải quyết công ăn việc làm cho người dân tại nơi mới. Một số nước ở khu
vực châu Á đã giải quyết rất tốt vấn đề này. Thực tế, có thể tạo được 30 - 50%
công ăn việc làm tại chỗ với mỗi khu nhà TĐC, bằng cách, những hộ kinh doanh
khi chuyển sang nơi mới sẽ được ưu tiên, tạo điều kiện tái kinh doanh tại các
ki ốt của tòa nhà TĐC.
Nhiều quốc gia để TĐC
tại chỗ cho người dân đã tận dụng triệt để diện tích tại chỗ. Khi lấy đất làm
đường, sẽ lấy thêm mỗi bên khoảng từ 60 - 80m để xây nhà TĐC hai bên đường mới
cho dân ngoài việc GPMB đúng, đủ diện tích làm đường. Điều này giúp cân bằng
lợi ích người dân, tận dụng được cơ sở hạ tầng, xã hội sẵn có tại khu vực,
không gây xáo trộn quá lớn cuộc sống của người dân và GPMB cũng trở nên dễ dàng
hơn. Cách làm này không khó áp dụng ở Việt Nam.
Nhưng trên hết, với
mỗi khu TĐC luôn phải có quy hoạch đồng bộ, chi tiết cơ sở hạ tầng đường sá,
điện, nước, các khu trường học, trạm xá, chợ, siêu thị... đáp ứng nhu cầu sống
thiết yếu của người dân. Các nhà đầu tư phải được hỗ trợ thuế và chi phí nhằm
thu hút nhà đầu tư, tăng tính cạnh tranh. Nói cách khác, phát triển nhà TĐC
phải dung hòa lợi ích các bên.
( Nguồn : Báo Đầu Tư )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.