Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, ông Đỗ Phi Hùng đã có những ý kiến phân tích về quy định quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được quy định trong Nghị định 34/2013/NĐ-CP (NĐ 34) của Chính phủ.
Xin cơ chế đặc thù nên mới chậm
- Phóng viên: Đến cuối
tháng 9/2014, Sở Xây dựng mới triển khai việc bán nhà thuộc SHNN theo NĐ 34
trong khi NĐ này đã có hiệu lực hơn 1 năm, nguyên nhân tại sao?
![]() |
Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM |
- Ông Đỗ Phi Hùng: Có
hiệu lực vào ngày 6/6/2013 nhưng trong quá trình triển khai NĐ 34 tại Tp.HCM
thì đã phát sinh một số vấn đề về phân cấp quản lý, sử dụng nhà ở (nhiệm vụ
quản lý cho thuê, thuê mua và bán nhà ở thuộc SHNN, theo NĐ 34, đã được chuyển
giao từ UBND các quận, huyện quy về một mối là Sở Xây dựng các tỉnh thành). Vì
thế cho nên tháng 12/2013, UBND TP đã gửi công văn kiến nghị Thủ tướng Chính
phủ và Bộ Xây dựng, đồng ý cho Tp.HCM được áp dụng “cơ chế đặc thù” riêng cho
TP. Cụ thể, các công việc như: Quyết định người thuê nhà ở công vụ, người được
thuê, thuê mua nhà ở xã hội..., UBND Tp.HCM có thể giao cho Sở Xây dựng và UBND
quận-huyện (cơ quan quản lý nhà SHNN) cùng thực hiện những việc này.
Nhưng cho đến tháng
4/2014, Văn phòng Chính phủ mới có phản hồi và yêu cầu Tp.HCM phải thực hiện
đúng theo NĐ 34. Tiếp đó, Sở Xây dựng Tp.HCM được TP giao chủ trì, phối hợp
cùng với các sở - ngành, UBND các quận-huyện và các đơn vị liên quan để đề xuất
phương án, kế hoạch triển khai trên thực tế sao cho phù hợp với quy định hiện
hành và đặc điểm tình hình cụ thể tại Tp.HCM để trình UBND TP xem xét. Đến cuối
tháng 8/2014, UBND Tp. HCM đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện NĐ 34 và
tháng 9/2014, Sở Xây dựng TP bắt đầu tổ chức hội nghị tập huấn cho các
quận-huyện trên địa bàn TP.
- Quyền lợi chính đáng
của người mua nhà, qua đây, có thể thấy đang bị ảnh hưởng không nhỏ?
- Trong thời gian
trình UBND TP kế hoạch triển khai NĐ 34/2013, nhằm tránh ách tắc việc mua nhà
SHNN và đảm bảo quyền lợi của người dân, Sở Xây dựng TP cũng đã có công văn yêu
cầu các đơn vị quản lý nhà trước đây như công ty TNHH MTV dịch vụ công ích các
quận-huyện, Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP… phải tiếp nhận hồ sơ
bán nhà của dân, sau đó chuyển Sở Xây dựng để báo cáo Hội đồng xác định giá bán
nhà ở TP duyệt giá cả và trình UBND TP ký quyết định duyệt giá bán nhà ở để
người dân không bị mất quyền lợi. Cho đến thời điểm hiện tại, TP đã giải quyết
bán được 30 căn nhà thuộc SHNN theo NĐ 34, giúp người dân bớt đi trở ngại trong
việc mua bán nhà.
![]() |
Một góc khu chung cư 17,3 ha phục vụ tái định cư khu Đô thị mới Thủ Thiêm |
Người dân được mua nhiều nhà SHNN
- Ông có thể so sánh
về chính sách trong việc bán nhà thuộc SHNN theo NĐ 34 và NĐ 61 trước đây để
người dân nắm rõ được các chính sách thủ tục, tránh các rắc rối pháp lý sau
này?
- Những điểm khác biệt
căn bản của NĐ 34 và NĐ 61 đó là: Nghị định không hạn chế số nhà SHNN (bao gồm
cả nhà và căn hộ) được giải quyết mua. Cụ thể, một người được Nhà nước cho phép
sử dụng nhiều nhà thuộc SHNN cũ, nếu có nhu cầu, thì vẫn được giải quyết mua
hết và chỉ với 1 cơ chế giá. NĐ 61/1994 trước đây thì quy định mỗi trường hợp
chỉ được phép mua 1 căn nhà (hoặc căn hộ) theo giá thuộc SHNN, các căn còn lại
sẽ được Nhà nước giải quyết bán theo với biến động giá thị trường. Nhưng chú ý
là người mua nhà được giải quyết mua nhiều căn nhưng lại chỉ được áp dụng chính
sách miễn giảm (thâm niên, gia đình chính sách, gia đình có công với cách
mạng…) 1 lần duy nhất. Thêm nữa, công dân có hộ khẩu ở các tỉnh khác cũng được
giải quyết mua nhà SHNN tại Tp.HCM vì NĐ 34/2013 không quy định bắt buộc về hộ
khẩu như trước đây. Nghị định cũng cho phép các trường hợp nhà ở thuộc SHNN nằm
trong lộ giới mở rộng mà chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm
quyền thì vẫn được giải quyết bán.
- Ông có thể cho biết
cụ thể trường hợp nào được mua nhà SHNN NĐ 34 và giá bán ra sao?
- Các trường hợp được
bố trí nhà SHNN nhưng không đủ điều kiện mua nhà theo NĐ 61, các trường hợp đủ
điều kiện mua nhà theo NĐ 61 nhưng nộp hồ sơ sau ngày 6/6/2013 thì người dân
cũng phải mua nhà theo NĐ 34.
Trong giá bán nhà ở ,
phải tính gộp cả tiền nhà và tiền sử dụng đất. Cụ thể, tiền sử dụng đất trong
NĐ 34 được quy định phân ra thành 3 thời điểm, tương ứng với giá bán, lần lượt:
Các trường hợp nhà ở được bố trí sử dụng từ ngày 19/1/2007 trở về sau, hiện Sở
đang chờ hướng dẫn của Bộ Xây dựng vì NĐ 34/2013 không quy định ký hợp đồng
thuê nhà cũng như giá bán; Nhà ở được bố trí sử dụng từ sau ngày 27/11/1992
(ngày ban hành QĐ 118 của Chính phủ về bãi bỏ chế độ phân phối nhà ở và được
tính vào tiền lương) đến ngày 5/7/1994 (ngày ban hành NĐ 61/1994) thì giá bán
bằng 40% giá đất hàng năm đối với phần diện tích trong hạn mức; Trường hợp nhà
ở được bố trí sử dụng sau ngày 5/7/1994 đến trước ngày 19/1/2007 (ngày ban hành
QĐ 09 của Chính phủ về sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc SHNN) thì giá bán là 100%
giá đất hàng năm.
“Chạy” mua nhà giá rẻ?
- Ông có thể cho biết,
hiện nay còn bao nhiêu trường hợp nhà SHNN cũ chưa bán dứt điểm theo NĐ 61?
Những trường hợp nộp hồ sơ trước ngày NĐ 34 có hiệu lực sẽ giải quyết như thế
nào cho thỏa đáng?
- Theo thống kê thì
hiện trên địa bàn TP còn khoảng 1.170 nhà SHNN cũ chưa bán, trong đó bao gồm cả
nhà ở chưa bán theo NĐ 61, nhà biệt thự SHNN thuộc diện bán, nhà ở thuộc SHNN
chưa được giải quyết bán do tranh chấp, khiếu nại… Trong số này, trường hợp đủ
điều kiện mua nhà thuộc SHNN, nộp đơn trước ngày 6/6/2013 và được bố trí nhà ở
trước ngày 27/11/1992 thì vẫn được giải quyết bán nhà theo NĐ 61. Tức giá bán
sẽ rẻ hơn so với cơ chế giá bán theo NĐ 34, vì giá bán theo NĐ 34 được căn cứ
vào giá đất được UBND TP ban hành tại thời điểm bán; còn giá bán theo NĐ 61 căn
cứ vào bảng giá đất theo QĐ 05 được TP ban hành năm 1995. Bảng giá đất hiện tại
đã tăng gấp nhiều lần so với bảng giá đất năm 1995.
- Ông có thể cho biết,
có trường hợp “chạy” thời gian nộp hồ sơ để được mua nhà theo NĐ 61 với giá rẻ
hơn hay không?
- Sở Xây dựng đã yêu
cầu UBND các quận - huyện còn nhà SHNN chưa bán phải làm tổng hợp, báo cáo hồ
sơ nộp xin mua nhà SHNN trước ngày 6/6/2013 và hiện sở đang nắm danh sách này
ngay khi NĐ 34 có hiệu lực. Vì vậy chỉ có những trường hợp có trong danh sách
này mới được giải quyết bán nhà theo NĐ 61 còn lại vẫn sẽ áp dụng NĐ 34 trong
mua nhà.
- Việc quy về 1 mối có
làm Sở Xây dựng trở nên quá tải hay không thưa ông? Người mua nhà phải nộp đơn
ở đâu?
- Trước mắt, sở sẽ
kiến nghị UBND TP tăng cường nhân sự cho sở để thực hiện việc bán nhà thuộc
SHNN đúng thời gian quy định. Sau đó sở sẽ cùng các sở chuyên ngành có kiến
nghị liên sở thành lập Trung tâm quản lý nhà thuộc SHNN để giảm tải áp lực cho
Sở Xây dựng. Người đang thuê nhà thuộc SHNN ở đâu thì nộp đơn mua nhà tại đơn
vị đó để được giải quyết. Ở đó sẽ thụ lý hồ sơ, đề xuất giá trình Sở Xây dựng,
sau đó sở sẽ trình Hội đồng xác định giá bán nhà TP để UBND TP có thể phê duyệt
giá bán.
- Cảm ơn ông!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.