Thị trường nhà đất tiếp tục có những
dấu hiệu khá tích cực khi các giao dịch trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên, kết quả
kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản trong quý 2 lại hết sức thảm hại.
Doanh thu lợi nhuận của phần lớn doanh nghiệp đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ
và quý trước.
![]() |
Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bất động sản khá thảm hại |
Dù đã qua kỳ báo cáo tài chính
quý 2 được 40 ngày nhưng mới chỉ chưa đến 2/3 số doanh nghiệp niêm yết công bố
báo cáo tài chính. Đối với doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản thì mới chỉ có
31/61 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính. Điểm đáng nói là hầu hết doanh
nghiệp “chịu” công bố đều là những doanh nghiệp nhỏ. Một số cái tên lớn trong
ngành như Sacomreal, Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Sudico vẫn chưa công bố báo
cáo tài chính. Tuy vậy, với những kết quả sơ bộ cho thấy bức tranh về lợi nhuận
doanh nghiệp bất động sản khá thảm hại.
Thống kê sơ bộ kết quả 31 doanh
nghiệp ngành bất động sản đã công bố cho thấy, tổng lợi nhuận của các doanh
nghiệp này trong quý 2 chỉ có 127 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là con số quá nhỏ so với số vốn chủ ở hữu hơn 10.000 tỷ đồng và tổng tài sản
hơn 25.000 tỷ đồng của các doanh nghiệp. Trong số đó cũng không có doanh nghiệp
nào có lợi nhuận trên 20 tỷ đồng.
Đứng đầu về quy mô trong nhóm
doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính là Bất động sản Phát Đạt (PDR). Tính
đến cuối quý 2/2013, PDR có tổng tài sản lên đến 5.872 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu
là 1.427 tỷ đồng. Dù quy mô khá lớn nhưng doanh thu trong quý 2 của PDR chỉ có
23 tỷ đồng, còn lợi nhuận ở mức tượng trưng 351 triệu đồng. Lũy kế nửa đầu năm
PDR mới chỉ có doanh thu 43 tỷ đồng, lợi nhuận chưa đến 1 tỷ đồng. Tình trạng
kinh doanh tồi tệ của PDR đã kéo dài từ năm 2011 đến nay. Một số dự án “siêu khủng”
của Công ty này như EverRich 2 và EverRich 3 đang bị kẹt cứng. Với số nợ vay gần
3.000 tỷ, tính sơ bộ với lãi suất hàng năm 12% thì riêng tiền lãi Phát Đạt phải
trả hàng năm cũng gần 400 tỷ đồng. Tình trạng này đã kéo dài đã gần 4 năm.
Một cái tên khác cũng được đặc biệt
chú ý trong giới bất động sản là Địa ốc Hoàng Quân (HQC). Cổ phiếu HQC của Địa ốc
Hoàng Quân có thời điểm lên trên 40.000 đồng/cổ phiếu, nhưng cũng có thời điểm
chỉ còn 4.000 đồng cổ phiếu, tức giảm hơn 90%. Vừa qua HQC gây sốc cho giới đầu
tư khi quyết định tăng vốn điều lệ từ 900 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng bằng cách
phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược và cấn trừ nợ cho đối tác kinh doanh.
Tuy nhiên, đối tác của HQC không phải là ai xa lạ mà chỉ là mấy doanh nghiệp
“anh em” của HQC và có vốn khá nhỏ. Vì vậy, nhiều người đang quan ngại về tiềm
lực thực sự của HQC sau tăng vốn. Trong 6 tháng đầu năm HQC có tổng doanh thu
chưa đến 5 tỷ đồng, trong đó doanh thu mảng bất động sản âm gần 500 triệu đồng.
Nhờ hoạt động tài chính và lợi nhuận khác HQC có lợi nhuận sau thuế 5,26 tỷ đồng.
Hiện nay, HQC đang “mắc kẹt” trong hàng loạt dự án siêu khủng của mình. Soi báo
cáo tài chính cho doanh thấy sức khỏe của doanh nghiệp này có nhiều vấn đề.
Một doanh nghiệp khác dù tên tuổi
không thật sự nổi tiếng nhưng không thể không nhắc đến là Công ty CP Vạn Phát
Hưng (VPH). Trong quá khứ dù trên báo cáo tài chính năm doanh nghiệp này chưa
bao giờ thua lỗ nhưng có thời điểm cổ phiếu rớt xuống dưới 5.000 đồng. Cũng như
nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, VPH đã trải qua thời kỳ khó khăn. Nhóm cổ
đông nắm đa số cổ phần doanh nghiệp này trước đó phải nhượng lại cho chủ mới.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu của VPH khá cao với khoảng 93 tỷ đồng,
nhưng lại thua lỗ gần 9 tỷ đồng.
Một cái tên cũng được nhiều người
trong giới chú ý khác là Nhà Từ Liêm (NTL). Doanh nghiệp sở hữu nhiều dự bán bất
động sản lớn này đã từng đạt được lợi nhuận “khủng” và “làm mưa làm gió” trên
thị trường chứng khoán nhưng lại có mức lợi nhuận khá khiêm tốn trong trong 6
tháng đầu năm. Cụ thể, trong 6 tháng, NTL mới chỉ có lợi nhuận 10 tỷ đồng và mới
đạt được 10% kế hoạch cả năm. Đây là con số khá khiêm tốn so với số vốn hơn 800
tỷ đồng của doanh nghiệp này.
Như vậy, nhìn chung bức tranh về
lợi nhuận các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trong 6 tháng vừa qua khá ảm đạm.
Tổng cộng lợi nhuận của 31 doanh nghiệp niêm yết vỏn vẹn chỉ có 240 tỷ đồng,
tương đương lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ có 2,2%, đây là một mức quá
thấp. Điều này cho thấy khó khăn của doanh nghiệp bất động sản vẫn còn trùng
trùng phía trước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.