Trào lưu xem phong thủy đang khá
thịnh hành hiện nay ở ta, nhưng xem ra chỉ mới ở phần ngọn, vì thật ít, giả nhiều.
Và những thầy phong thủy xuất hiện
nhiều vô kể, với đủ trường phái du nhập, nhưng mỗi thầy mỗi kiểu, khiến người
ta không còn biết tin ai. Nhà nghiên cứu phong thủy Nguyễn Nguyên Bảy nhìn nhận
vấn đề này ra sao?
Theo ông, tầm quan trọng của việc
nghiên cứu và ứng dụng phong thủy vào đời sống như thế nào?
Cung cầu là vận động tự nhiên của
đời sống. Chừng nào người ta còn thấy ích lợi của phong thủy cải thiện được chất
lượng cuộc sống thì chừng đó việc nghiên cứu và ứng dụng phong thủy còn là cuộc
vận động cung cầu có thật, ví von một chút, hiện nay, bây giờ, trong cuộc sống
đương đại của chúng ta, phong thủy đang phục sinh, đang được cầu muốn như một đức
tin.
Trào lưu xem phong thủy đang khá
thịnh hành hiện nay ở ta, cả về Âm trạch lẫn Dương trạch, nhưng xem ra chỉ mới ở
phần ngọn, vì thật ít, giả nhiều, và những thầy phong thủy xuất hiện nhiều vô kể,
với đủ trường phái du nhập, nhưng mỗi thầy mỗi kiểu, khiến người ta không còn
biết tin ai? Nên nhìn nhận vấn đề này ra sao, thưa ông?
Phong thủy cổ chủ yếu lý giảng
các vấn đề thuộc Âm trạch (mồ mả), phong thủy hiện đại nghiêng về việc nghiên cứu
và lý giảng các vấn đề thuộc Dương trạch.
Nghiên cứu Âm trạch, là nghiên cứu
những phạm trù vô hình, siêu nhiên, bí hiểm của vũ trụ kể cả yếu tố Người sau
khi trở về cát bụi, tức là trở về vũ trụ cũng đã thành bí hiểm của phúc đức, của
đạo hồn. Đây là lĩnh vực cực cực khó và sức nghiên cứu của con người (phạm vi
nhân loại, thế giới) thường là lời đáp bó tay. Bản thân tôi, dù 50 năm dùi mài
đèn sách, lội đông, trèo tây, bái đủ các bậc tiền bối làm thầy, nay xin thành
thực thưa: Tôi hoàn toàn không lý giảng được bất kỳ điều gì hung cát thuộc phạm
vi Âm trạch, ngoài các kiến thức được dân gian đúc kết qua đời sống mà thành
phong tục/ tập quán, thành hương ước bảo nhau theo.
Nghiên cứu Dương trạch là nghiên
cứu những cái tai nghe, mắt thấy, tay cầm…, tức là nghiên cứu cái hiện có, tìm ở
nó cái chưa thích hợp (gọi là hung) và cái đã và sẽ thích hợp (gọi là cát) để
làm thay đổi nó (cái nghiên cứu) mà nâng cao hay thu hoạch nhiều hơn nữa chất
lượng cuộc sống như mong cầu của con người.
Việc nghiên cứu và ứng dụng phong
thủy Dương trạch hiện đang là trào lưu có tính toàn cầu, đó chính là trào lưu
thực dụng, thực chất, nôm na là nghiên cứu cầu sự lợi lạc ngay bay giờ, ngay
ngày hôm nay, thời này, chứ không màng lắm thứ phong thủy Âm trạch hoang đường,
mơ hồ cho cái gọi là tạo cát phúc cho muôn đời con cháu mai sau.
Minh bạch được hai khu vực phong
thủy Âm trạch và Dương trạch, bạn sẽ xác lập cho mình đức tin/ hoặc dị đoan, với
phong thủy, với “ông bà” thầy phong thủy mà bạn bảo là đông như quân Nguyên, hề
chi, chân giả đều hiển lộ dưới minh bạch đức tin của bạn.
Đức tin là thế nào, dị đoan là thế
nào? Mách nước: Bạn luôn đặt câu hỏi cho việc/sự bạn quan tâm, trả lời được câu
hỏi thì đó là đức tin, không trả lời được thì đó là dị đoan. Ví dụ: Cái cửa số
này hư, chữa đi, khỏi đau mắt. Lời phán này tin được không? Có cơ sở, tin được.
Bà thầy đang sang tai lời oan của bà Nguyễn Thị Lộ chết từ mấy trăm năm trước,
than thế này, kể lể thế kia. Tin được chăng? “Hòn đất mà biết nói năng/ Thì bà
địa lý hàm răng chẳng còn…”.
Chuẩn phong thủy nên nhìn ở góc độ
nào, theo ông? Bởi lẽ, hiện nay, như đã nói trên, loạn môn phái, loạn lý thuyết,
loạn thầy pháp, trong khi tính khoa học của phong thủy mà cả phương Đông lẫn
phương Tây từng dày công nghiên cứu lại bị coi nhẹ?
Kinh dịch 384 quẻ, chỉ duy nhất một
quẻ giảng luận về phong thủy. Phong trên/ Thủy dưới là phong thủy, là quẻ Hoán
(hoán chuyển, thay đổi, sửa chữa..), nghĩa rằng phàm cái gì phạm đến phong
(gió) và thủy (nước) thì phải Hoán. Làm sao Hoán? Tôi học dịch từ nhỏ, nhưng
mãi tới năm 2000, tức là 60 tuổi, mới tìm ra được lời lời đáp cho chữ Làm Sao
Hoán? Trong một chiều thất nghiệp (vì về hưu) ngồi buồn tự lật bàn tay mình
chơi dịch. Trời ơi là đất, tôi lật bày tay quẻ Phong trên/ Thủy dưới mà được quẻ
Thủy trên/ Phong dưới là quẻ Tỉnh. Reo lên tạ ơn Trời. Tỉnh nghĩa là Cái Giếng.
Đức của phong/ thủy chính là cái Giếng. Định nghĩa Giếng: Uống Mãi Không Cạn/
Vơi Lại Đầy/ Đầy Không Tràn.
Phong thủy cổ xưa tiền nhân nói
đơn giản quá, căn nhà bị hư cửa, bị giột nóc, bị nọ, này... tức là đều phạm/
làm sai lạc/ nguồn gió/nước hay gọi là khí. Thế nên sửa lại, sửa thật đúng, thật
tốt, thì căn nhà lại tốt đẹp như cái giếng để uống mãi, để nếu vơi thì lại đầy,
nếu đầy thì không tràn… Có thấy nói đến trường phái Tàu/ta, thánh thần cây đa/
con cóc nào đâu. Ghê thay, chỉ vì tìm sự tương thích con người và môi trường sống
mà “các phong thủy vương bá” đẻ ra bao nhiêu là bao nhiêu thần thánh ma quỷ,
nghĩ mà ghê kinh ma quỷ.
Những bậc thầy phong thủy của VN
từ xưa đến nay là những ai, theo ông? Họ để lại những bí truyền cho con cháu,
hay tiếp thu từ nền phong thủy Tàu?
Có thể, một trong những bậc thầy
phong thủy Việt Nam, hiện chưa được vinh danh, đó là kiến trúc sư, đại sư phong
thủy Nguyễn Văn An, người đã thiết kế và trực tiếp chi huy thi công xây dựng Tử
Cấm Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc.
Qua bằng chứng Nguyễn Văn An, có
thể góp phần giải đáp câu hỏi có tính tự ái dân tộc là phong thủy VN tiếp thu từ
phong thủy Trung Hoa. Hiện nay, các nhà khảo dịch VN đã tìm thấy những bằng chứng
pho Kinh Dịch xuất hiện trên trống đồng Ngọc Lũ Việt Nam. Riêng với Bậc thầy Tả
Ao, vì ngài chỉ để lại cuốn phong thủy chép tay về pháp đặt mộ huyệt hung cát
Âm trạch, lĩnh vực tôi không đủ kiến thức trả lời câu hỏi đức tin/ hay di đoan,
nên không dám lạm bàn.
Một ngôi nhà cư ngụ đẹp theo
nghĩa phong thủy là ngôi nhà thế nào?
Một câu hỏi quá thú vị mà không dễ
trả lời. Ngôi nhà cư ngụ thuộc thổ, chính xác là Đại trạch thổ. Đại trạch thổ
nghĩa rằng sinh ra con người, Trời Đất ban tặng cho mỗi nhân một nơi chui ra
chui vào che mưa che nắng, nơi đó bậc vương giả là lâu đài, bậc quan quyền tòa
ngang dãy dọc, kẻ thi nhân một mái lầu tranh hai trái tim vàng, kẻ tiều phu một
cái hang cỏ và kẻ vô gia cư một vuông ghế công viên… Tất cả, dù dạng này hay
dang khác đều là căn Đại trạch thổ cả đấy.
Có vuông đất, cất cái nóc là
thành nhà bảo rằng đã xong Ốc thượng thổ, xây các bức vách mà chia không gian
phòng ốc, là đã xong Bích thượng thổ… Căn nhà chỉ có ba bước ấy, móng, nóc, và
vách, hà cớ gì ta không làm ba bước ấy cho tốt, cho đẹp, cho vừa ý ta, vừa đồng
tiền của ta mà đón ngọn gió lành, mà hong phơi nắng ấm…
Nhấn mạnh, thực hành ba bước ấy,
ta nên dụng hết cái thích (tự do) của ta, cái nhân quyền của ta, mà không sợ lụy
phiền xung quanh, môi trường. Và luôn nhờ chỉ tự do/nhân quyền ba bước này thôi
nhé. Vì sang bước thứ tư, tức là ngôi nhà ta đã làm xong, những ngôi nhà xung
quanh cũng đã làm xong, hợp thành một khu dân cư, một làng xóm, một đường phố. Ấy
là ta đã hòa nhập ta vào Thành đầu thổ, khu/cụm dân cư rồi đấy. Và rồi cả cụm
dân cư ấy tỏa theo các con đường Lộ bàng thổ), kết nối khắc các vùng đất đai
khác (Sa trung thổ) mà hòa ca cuộc sống nhân quần. Nói vậy, tức là căn nhà của
ta từ khi hòa nhập vào cụm dân cư rồi tỏa đi, tức là căn nhà ta đã hòa nhập với
môi trường đang cư ngụ, đang sống.
Thế nên, một căn nhà cư ngụ đẹp
theo nghĩa phong thủy là một căn nhà tốt đẹp, bản thân nó và tương thích cùng
cái tốt đẹp của xóm giềng, của môi trường xung quanh, mà thành tốt đẹp hoàn hảo…
như Giếng ấy, uống mãi không cạn (tình người), khi khốn khó, lúc gian nan, sự
vơi của giếng ấy mà, tin đi giếng lại đầy, bán anh em xa/ mua láng giềng gần/
và thay lời cầu chúc, vì nói về cái tốt đẹp không cần nhiều lời. Chúc các bạn
cư ngụ hạnh phúc trong ngôi nhà xây dựng hoặc sửa chữa thuận lý theo khoa học
phong thủy.
Xin cảm ơn ông!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.