Thị trường bất động sản trở nên sôi động hơn sau những thương
vụ thay tên đổi chủ từ đầu năm đến nay.
Trong khi rất nhiều doanh
nghiệp (DN) phải phá sản hoặc đang cầm cự thì lúc này là cơ hội vàng
cho các nhà đầu tư ngoại, nhà đầu tư nội có tiền nhảy vào thâu tóm các
dự án bất động sản (BĐS) tiềm năng ở những vị trí đắc địa của các
thành phố.
Tổng Giám đốc BĐS Nam Long
Nguyễn Vĩnh Trân cũng thừa nhận đây là giai đoạn cần các thương vụ
mua bán sáp nhập (M&A) để giải quyết các vấn đề như phát triển dự
án và vốn.
Cuộc “đổ bộ” của nhà đầu tư ngoại
Bộ KH&ĐT thống kê trong bảy
tháng đầu năm, BĐS là lĩnh vực đứng thứ hai thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ
nước ngoài.
Theo ông Trân, nửa năm qua
nhiều nhà đầu tư, cụ thể như Nhật, khi vào Nam Long thay vì chỉ muốn
nói chuyện về cổ phiếu như trước đây thì giờ họ nói chuyện đầu tư
vào dự án. Họ nhìn thấy tiềm năng phát triển BĐS khi giá cả xuống
tới mức có thể tính toán được để cho ra những sản phẩm giá không quá
cao và có lời.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Chí
Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, cho rằng nhiều DN
trong nước đang vật vã để cầm cự và dường như đã quá sức chịu
đựng. Trong khi đó thế giới đang dư tiền, lãi suất ở nước ngoài thấp
hơn nhiều so với Việt Nam và giá BĐS cũng đã xuống thấp nên đây là cơ
hội để nhà đầu tư ngoại đầu tư dài hạn kiếm lời. Chúng ta có thể
thấy các cuộc đổ bộ thâu tóm qua M&A của các nhà đầu tư đến từ
Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... từ đầu năm đến nay.
Mới đây, ngày 7-8, Chủ tịch Tập
đoàn Metro Olaf Koch đã đặt bút ký chuyển nhượng toàn bộ hoạt động của Metro Việt
Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của một tỉ phú Thái Lan. Thương vụ này
bao gồm 19 trung tâm bán sỉ và danh mục BĐS liên quan có giá 869 triệu USD.
Nhà đầu tư Trung Quốc vừa xúc tiến đàm phán mua hơn 70% cổ phần của một dự án
du lịch có vốn đầu tư gần 2 tỉ USD tại một tỉnh giáp TP.HCM. Tại Khánh Hòa, một
nhà đầu tư Israel đã cam kết rót 300 triệu USD vào dự án khu du lịch Bãi Rồng
Resort và đổi tên thành Alma Resort... Ngay từ đầu năm tập đoàn bán lẻ hàng đầu
Hàn Quốc Lotte Mart đã mua lại Pico Plaza để mở rộng kinh doanh của mình.
Hoạt động mua bán, sáp nhập làm ấm
lên thị trường bất động sản trong nước.
Nhà đầu tư nội cũng vào cuộc M&A
Không chỉ nhà đầu tư ngoại
nhảy vào để thâu tóm BĐS, nhiều nhà đầu tư nội cũng không bỏ lỡ cơ
hội vàng để sở hữu những dự án BĐS đắc địa. Tuy nhiên, M&A trong
bối cảnh hiện nay chỉ thực sự thành công với điều kiện nhà đầu tư
phải có tiềm lực thực sự về tài chính, phải dựa vào vốn tự có, bởi
đây không phải là thời buổi của việc đi vay quá nhiều ở ngân hàng để
đầu tư.
Gần đây, Tổng Công ty Xây dựng
Thanh Hóa đã mua lại 95% cổ phần dự án Sky Park Residence Hà Nội. Đây là khu tổ
hợp chung cư, văn phòng và thương mại có vị trí đắc địa tại Hà Nội hiện nay.
Ngoài ra tổng công ty này cũng đã thực hiện xong thương vụ mua bán
khác với giá trị lên tới hàng trăm tỉ đồng bằng năng lực tài chính
vững mạnh của mình.
Lý giải vì sao thời điểm này
là cơ hội vàng, chủ tịch một tổng công ty vừa mới hoàn thành xong
hai thương vụ trị giá hàng chục triệu USD cho biết nếu như năm năm trước
đây việc mua lại một khách sạn năm sao hay các dự án có diện tích
đất lớn ở nội thành là kế hoạch không tưởng (dù có tiền chăng nữa)
thì đến nay điều đó hoàn toàn thực hiện được. Song cơ hội này chỉ dành
cho những ai có tiền nhiều và phải là “tiền tươi thóc thật” mới
được.
Tuy nhiên, mỗi công ty sẽ có
những chiến lược M&A riêng.
Ông Trân, Tổng Giám đốc BĐS Nam
Long, cho hay với các dự án quá lớn như phát triển đô thị... nếu để
tự mình làm sẽ lâu, mượn tiền ngân hàng thì thêm gánh nặng cho công
ty. Bởi vậy M&A sẽ khiến dự án lớn hoàn thành sớm hơn. “Chúng tôi
cũng đang tìm những đối tác nước ngoài cho các dự án lớn như ở Long
An. Nhưng chúng tôi cũng tìm các dự án nhỏ để đầu tư cùng các chủ
đầu tư nhỏ” - ông Trân chia sẻ. Phía Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc
Khang cũng cho biết công ty cũng không bỏ qua cơ hội này để tìm kiếm
những đối tác và cơ hội làm ăn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.