Theo quy định của pháp luật thì
Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 01: 2008/BXD chỉ dùng để thiết kế quy hoạch trong
quy hoạch xây dựng, vậy nhưng Sở Xây dựng Hà Nội lại đem quy chuẩn này áp đặt,
cấp phép xây dựng cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn thành phố. Việc làm trái
pháp luật này đã gây thiệt hại không nhỏ về lợi ích kinh tế cũng như quyền lợi
của người dân, Thanh tra Bộ Xây dựng đã nhiều lần yêu cầu sửa đổi, tuy nhiên,
thực tế vẫn “không thể” cải thiện.
![]() |
Việc cấp phép xây dựng đang có nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội |
Cấp phép xây dựng sai, dân chịu thiệt
Trong những năm gần đây, số lượng
đơn thư người dân gửi tới thanh tra Bộ Xây dựng phản ánh về việc diện tích đất
bị cắt xén hàng chục m2 sau khi được cấp phép xây dựng ngày một nhiều. Trong
đó, nội dung chủ yếu đề cập đến việc: Họ là những người dân đang sống trong căn
nhà cũ, có một vài người mua lại với diện tích 70m2, 80m2, đến 100m2…Tuy nhiên,
do nhà quá cũ và một mặt muốn góp phần chỉnh trang đô thị nên họ đã xin đập đi
để xây mới theo thiết kế của riêng mình. Vậy nhưng, khi khởi công xây dựng công
trình thì họ mới phát hiện là chỉ được phép xây dựng 70 đến 80% diện tích đất sẵn
có. Vậy số diện tích còn lại đã đi đâu? Trong khi, để có 1m2 đất trong đô thị
cũ họ đã phải mất một khoản tiền lớn từ hàng chục đến vài chục triệu đồng.
Nhiều người dân đã đến gặp chính
quyền địa phương, các Sở Quy hoạch, Sở Xây dựng để xin giải đáp về vấn đề này,
đồng thời xin xây hết số đất mà họ đã có nhưng đều được trả lời: pháp luật quy
định như vậy.
Lần theo những thông tin trên,
phóng viên đã tìm đến các cơ quan cấp Sở Xây dựng và một số chính quyền địa
phương thì được các đơn vị này cho biết, họ cấp phép xây dựng theo Quyết định
59/2013/QĐ-UBND, ngày 19/12/2013 về quy định chi tiết một số nội dung về giấy
phép xây dựng trên địa bàn thánh phố Hà Nội. Sau khi nghiên cứu tại điểm b, khoản
1, Điều 9 Quyết định 59/2013/QĐ-UBND đối với nhà ở riêng lẻ cá nhân, hộ gia
đình có quy định: “Cơ quan cấp giấy phép xây dựng căn cứ vào các quy chuẩn có
liên quan và quy định tại các khoản 1,2 điều 15 Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày
7/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị; đối
chiếu với nội dung giấy phép xây dựng đã cấp cho nhà ở có quy mô tương tự trong
khu vực để xem xét, giải quyết việc cấp giấy phép xây dựng theo quy định, phù hợp
với cảnh quan khu vực”.
Vậy thì quy định trên căn cứ vào
pháp luật nào? Theo quy định hiện hành, việc cấp phép xây dựng được quy định tại
Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 về Cấp phép xây dựng. Tại Điều 6, đối với
công trình xây dựng và nhà ở riêng lẻ trong đô thị: “a, phù hợp với: Quy hoạch
chi tiết xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị
được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; b, đối với công trình xây dựng ở
khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết,
thì phải phù hợp với Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế
đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; c, công trình xây dựng dân
dụng cấp đặc biệt, cấp I trong đô thị phải có thiết kế tầng hầm theo yêu cầu của
đồ án quy hoạch đô thị và Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị được cấp
có thẩm quyền phê duyệt”. Như vậy, trong quy định này không có một quy định nào
cho phép căn cứ vào tiêu chuẩn để cấp giấy phép xây dựng. Vậy thì, đây là một sự
nhầm lẫn hay sự cố tình vi phạm pháp luật trong văn bản pháp luật để làm tổn hại
kinh tế của nhân dân?
Theo quy định tại điểm 2.8.6 về mật
độ xây dựng thuần (net – tô) tối đa cho phép của QCXDVN 01: 2008/BXD có đưa ra
những thông số cụ thể như diện tích lô đất 75m2/căn nhà thì mật độ xây dựng tối
đa là 90%, 100m2 là 80%, 200m2 là 70%... Quy chuẩn này là để làm cơ sở cho việc
thiết kế các đồ án quy hoạch xây dựng chứ không phải để cấp phép xây dựng. Tóm
lại, quy chuẩn là để thực hiện việc thiết kế quy hoạch xây dựng còn quy hoạch
xây dựng chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị cùng quy chế quản lý kiến trúc là cơ
sở duy nhất để cấp phép xây dựng.
Vậy các cơ quan, cá nhân làm công
tác cấp phép xây dựng có chuyên môn về công tác quy hoạch xây dựng hay không? Nếu
có, tại sao lại tham mưu cho UBND TP. Hà Nội ban hành một văn bản không những
gây bức bách, thiệt hại cho người dân mà còn tạo bộ mặt đô thị nham nhở, không
theo ý muốn.
Nhà quản lý sai nhưng không chịu sửa?
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Phạm
Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết:
Trong quá trình thanh tra, kiểm
tra, nhiều năm trước đây kể cả trước khi Nghị định 64 ra đời, Thanh tra Bộ đã
phát hiện TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sử dụng quy chuẩn xây dựng để cấp phép
xây dựng. Điều này đã làm thiệt hại cho người dân và gây nhiều khiếu kiện,
Thanh tra Bộ đã nhiều lần nhắc nhở nhưng thực tế vẫn chưa được cải thiện.
Việc sử dụng quy chuẩn để cấp
phép xây dựng không những làm tổn hại cho người dân về mặt kinh tế mà còn tạo
nên một bộ mặt đô thị “khập khiễng”, thiếu đồng nhất. Đặc biệt là các tuyến đường
mà dân cư đã ổn định. Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 về Cấp phép xây dựng
nhằm chấn chỉnh lại công tác cấp phép xây dựng, trong đó quy định điều kiện để
cấp giấy phép xây dựng là phải có quy hoạch chi tiết 1/500, có bản vẽ thiết kế
đô thị và quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, trên thực tế không hiểu
do ý thức chấp hành pháp luật hay lý do gì mà TP Hà Nội vẫn ban hành văn bản
cho phép việc cấp phép theo quy chuẩn xây dựng. Đây là một việc làm không phù hợp
với pháp luật và không quy định cho các cấp chính quyền cũng như các ngành
trong việc lập lại trật tự xây dựng đô thị theo quy hoạch. Có lẽ, đã đến lúc
các ngành chức năng phải sớm vào cuộc làm rõ trách nhiệm.
( Nguồn : Báo xây dựng )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.