Nhiều người phải bỏ ra hàng chục, thậm chí là cả trăm triệu đồng tiền
"chênh" so với mức giá công bố của chủ đầu tư để có được 1 căn hộ mà
người ta vẫn gọi nó là chung cư giá rẻ. Vậy thì chung cư giá rẻ có rẻ thật
không? Tại sao lại gọi nó là chung cư giá rẻ trong khi mức giá thực tế mà người
mua phải trả cho những căn hộ ở đây vẫn ở "trên trời"?
Sức hấp dẫn từ chung cư giá rẻ
Thị trường BĐS năm 2014 chứng kiến
sự bứt phá ngoạn mục của phân khúc căn hộ bình dân, chung cư giá rẻ với mức giá
khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn.
Với sự xuất hiện của một loạt dự
án BĐS cùng hàng nghìn căn hộ được tung ra thị trường, phân khúc căn hộ bình
dân đã và đang tạo ra một sức hút đáng kể với người mua nhà. Bên cạnh đó, thị
trường cũng đón nhận nhiều dự án đã hoàn thiện hoặc hoàn thiện khoảng hơn 50%
khối lượng thi công. Có thể kể đến một số dự án chung cư bình dân đã và đang
hút khách trong thời gian qua như CT Number One, VP6-Linh Đàm, Tân Tây Đô, Đặng
Xá, Đại Thanh…
Nhìn chung, những giao dịch thành
công thuộc phân khúc căn hộ giá rẻ tại Hà Nội thời gian qua chủ yếu tập trung ở
những dự án có tiến độ thi công nhanh, chủ đầu tư uy tín, phương thức thanh
toán linh hoạt.
Nhiều chuyên gia nhận định, phân
khúc nhà giá rẻ chính là điểm sáng, sẽ dẫn dắt thị trường BĐS trong tương lai,
bởi khách hàng mua chủ yếu với nhu cầu thực. Khi các dự án đáp ứng được những
nhu cầu đó, khách hàng sẽ sẵn sàng ký hợp đồng mua nhà ngay.
Sự thật về chung cư giá rẻ
Vào những ngày tháng 3/2014,
chung cư VP6 Linh Đàm được các sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội rao bán với mức tiền
chênh khiến không ít khách hàng ngỡ ngàng. Theo đó, căn có giá chênh cao nhất,
500 triệu đồng, là căn góc "số đẹp" nằm ở tầng "đẹp" 36, diện
tích 77,66m2.
Trong khi giá gốc của căn hộ này
chỉ là 14,935 triệu đồng/m2, cộng cả tiền chênh thì đội giá lên tới 21,37 triệu
đồng/m2, tăng hơn 43% so với giá gốc. Tổng giá bán căn hộ số đẹp này tăng từ
1,161 tỷ đồng lên 1,661 tỷ đồng sau khi cộng giá chênh. Ngoài ra, các căn hộ
khác ở đây cũng được chênh giá dao động trong khoảng từ 100 đến 200 triệu đồng/căn.
Dự án chung cư City Number One
Tương tự như VP6 Linh Đàm, dự án
chung cư 136 Hồ Tùng Mậu mở bán cuối tháng 3/2014 với giá niêm yết trên dưới 15
triệu đồng/m2, nhưng khách hàng đã phải mua với mức chênh phổ biến từ 2-2,5 triệu
đồng/m2. Các căn hộ CT1 – CT2 Trung Văn, chung cư Victoria thì người mua cuối đều
phải bỏ thêm khoảng từ 30-200 triệu đồng mỗi căn.
Lý do giải thích cho sự
"chênh" giá đột ngột, trong bối cảnh thị trường BĐS vẫn chưa hồi phục
hoàn toàn, được đại diện một sàn giao dịch BĐS phân trần như sau: "Bán
chung cư bây giờ, cứ phải có ít tiền chênh mới dễ bán. Người Việt Nam vẫn mang
nặng tâm lý "Tiền nào của nấy" mà. Nếu đưa ra giá gốc, rẻ quá, khách
hàng sợ hàng lởm, có khi chẳng ai mua, nhưng cứ có thêm tiền chênh là lại được
nhiều người hỏi mua".
Vẫn biết rằng, thị trường BĐS
đang hướng tới nhu cầu mua nhà ở thực, khách hàng đầu tư gần như không còn nữa,
mà thay vào đó là những khách hàng thực sự có nhu cầu về nhà ở. Đây có thể coi
là một lợi thế vô cùng lớn cho thị trường BĐS vốn đang trong tình trạng u ám,
đình trệ. Thế nhưng, khi thị trường mới nhúc nhích đôi chút, lượng giao mới rục
rịch tăng, vậy mà tình trạng chênh giá đã vội xuất hiện.
Điều này, theo các chuyên gia, đã
“gây cản trở” sự nóng trở lại của thị trường, bởi khách hàng mua nhà giá rẻ,
nhưng trên thực tế, lại không rẻ chút nào.
Và những gói cứu trợ chậm triển khai?
Căn hộ chung cư dưới 1 tỷ đồng
thường hướng tới những người có thu nhập trung bình và thấp. Do đó, gói 30.000
tỷ đồng với mức lãi suất 5%/năm dành cho đối tượng này rất được trông đợi thời
gian qua. Song có một thực tế là, nhưng người mua nhà không dễ tiếp cận với gói
tín dụng này.
Trao đổi với PV, Tiến sĩ Cao Sỹ
Kiêm cho hay, thủ tục cho vay còn quá nhiều và vòng vo, chồng chéo; điều kiện
cho vay còn chưa hợp lý (người thu nhập thấp, người nghèo không thể có đủ tiền
để trả lãi vay và trừ gốc mỗi tháng khoảng 7 - 8 triệu đồng); đặc biệt, thời hạn
cho vay hiện cũng bị ràng buộc 10 - 15 năm là chưa phù hợp với khả năng chi trả
của người nghèo, người thu nhập thấp… Đó là chưa kể tới nguyên nhân giá nhà được
gọi là “nhà giá rẻ” trên thực tế vẫn quá cao, nên người thu nhập thấp dù có vay được tín dụng hỗ trợ thì cũng không “mặn
mà”…
“Đây không chỉ là vấn đề lãi suất
thấp, mà còn là các điều khoản đi kèm như giấy tờ xác minh (hiện đang cần quá
nhiều khâu, nhiều cấp xác minh…, là thời hạn cho vay (theo tôi nên tham khảo
các nước trong khu vực và trên thế giới, bởi thời hạn cho vay của họ thường kéo
dài 25 thậm chí 30 năm đề người vay có thể chi trả… “, ông Kiêm nói
Trong khi đó, thông tin từ Bộ Xây
dựng cũng cho hay, tính đến cuối tháng 5-2014, tổng số tiền giải ngân từ gói
tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà ở trên toàn quốc là 2.156,3 tỷ đồng, tức
giải ngân chỉ khoảng hơn 7% sau một năm triển khai gói hỗ trợ này.
Liên quan đến vấn đề này, theo
ông Kiêm, cần có các giải pháp đồng bộ từ phía
thị trường như: kéo giá nhà trở về giá trị thực, chia nhỏ hoặc cho phép
xây dựng các căn hộ diện tích nhỏ, công năng phù hợp với nhu cầu người thu nhập
thấp… Có như vậy, gói tín dụng 30 nghìn tỷ mới có thể đẩy mạnh được giả ngân,
thực hiện được các “sứ mệnh” xã hội quan
trọng của mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.