Người vay cần cân nhắc kỹ càng năng lực trả nợ của mình, cân nhắc điều
chỉnh giữa thu nhập và nhu cầu tài chính trong thời gian vay.
Nhà đất hạ giá, nhiều ngân hàng
(NH) lại đưa ra các gói cho vay mua nhà với lãi suất “hấp dẫn”, thời gian trả nợ
kéo dài đến vài chục năm sau khiến nhiều người có thu nhập trung bình nhưng
chưa có nhà ở hy vọng sẽ mua được nhà từ nguồn vốn vay này.
Hàng loạt NH thương mại có chương
trình cho vay mua nhà. Tại NH HSBC, lãi suất cho vay mua nhà được tính 9,99%
cho 3 tháng đầu tiên, với khoản vay lên đến 70% giá trị căn hộ dự định mua, thời
hạn vay trong 25 năm. Còn NH Việt Nam Thịnh vượng VPBank giới thiệu cho vay mua
nhà với hạn mức tối đa lên đến 100% giá trị căn nhà dự định mua, trong thời hạn
20 năm. NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thì cho biết, sắp đưa ra
chương trình cho vay mua nhà với lãi suất 12%/năm cố định trong 2 năm đầu tiên,
từ năm thứ 3 lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cộng với
2%... Hầu hết các NH đều có 2 hình thức cho vay và tính lãi suất, hoặc trên dư
nợ gốc hoặc dư nợ giảm dần.
Trước khi vay mua nhà, người vay
cần tìm hiểu kỹ về điều chỉnh lãi suất.
Các khoản vay vốn cá nhân thường
là khoản vốn vay trung và dài hạn, do đó lãi suất vay điều chỉnh theo biên độ
các NH đều có biên độ lãi suất và quyền được quyết tăng giảm lãi suất tùy theo
cấp của đơn vị cho vay. Thực tế, đa số mức lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà chỉ
áp dụng trong khoảng 3 - 6 tháng hoặc cùng lắm là 1 năm đầu tiên, tùy NH. Sau
đó, các NH sẽ áp dụng lãi suất cao hoặc thả nổi theo hướng vài tháng sẽ điều chỉnh
lãi suất một lần theo mức lãi suất huy động cộng với khoản chênh lệch nào đó.
Chính vì vậy, người vay sẽ khó
xác định cụ thể mức lãi suất phải trả trong tương lai (vì lãi suất huy động có
thể tăng, giảm khó lường), mà phần lớn khả năng là sẽ tăng cao hơn trong suốt
quá trình vay do nguy cơ lạm phát. Trong khi đó, thời gian trả nợ có thể kéo
dài đến 10 năm, thậm chí như vay HSBC có thể đến 25 năm sau. Do đó, khi vay,
người mua phải có thỏa thuận cụ thể về mức lãi suất sau này, tránh tình trạng
lãi suất bị đẩy lên cao ngoài ý muốn. Trong hợp đồng vay, cần thỏa thuận cụ thể
thời gian điều chỉnh lãi suất cũng như mức tăng - giảm lãi suất được hình thành
trên cơ sở nào, tránh trường hợp sau thời gian ưu đãi lãi suất, các NH có thể
áp mức lãi suất cho vay đến 18%/năm thì người vay vẫn phải chịu. Bên cạnh đó,
nhiều NH còn thu phí “phạt” đối với khách hàng có nhu cầu trả nợ trước hạn, thường
từ 1% - 5% trên số tiền trả nợ trước hạn. Vì thế, người vay cần lưu ý để
xác định mức phí phải trả cho NH, cụ thể
như vay trong 5 năm, nếu bên vay trả nợ trước hạn trong năm đầu tiên hoặc năm
thứ hai thì NH sẽ thu mức phí nào, hoặc trả vào những tháng đầu tiên của năm thứ
5 thì NH có bị tính phí hay không...
Người vay cần cân nhắc kỹ càng
năng lực trả nợ của mình, cân nhắc điều chỉnh giữa thu nhập và nhu cầu tài
chính trong thời gian vay. Đặc biệt, các trường hợp vay mua nhà ở các dự án có
sự liên kết giữa chủ đầu tư và NH cần tìm hiểu kỹ. Thực tế cho thấy, khi vay để
mua ở những dự án này, không ít người đã khổ vì sự “nhập nhằng” về mức tiền mà
khách hàng được vay trên thực tế. Bởi, việc định giá tài sản của NH thường thấp
hơn so với thị trường nên nhiều người không được vay đủ tiền như dự kiến. Dẫn đến,
sau khi đặt cọc mua nhà, lại phải xoay xở đi vay tiếp, thậm chí là vay lãi suất
cao. Cũng không ít trường hợp người mua vớ phải dự án “treo”, hoặc chậm tiến độ,
căn hộ bị chậm bàn giao, khiến người mua vừa phải kéo dài thời gian đi thuê
nhà, vừa phải lo trả lãi NH…
Năm 2011, những người vay để đầu
tư bất động sản đã “chết đứng” khi lãi suất tăng vọt từng tháng, từ 13 - 14%
lên 25 - 26%/năm. Và đến nay, dù lãi suất đã được điều chỉnh giảm, nhưng rất
nhiều khoản vay này vẫn phải chịu mức lãi suất cao vì những điều kiện ràng buộc
trong hợp đồng trước đó. Với thực trạng lãi suất của các NH có thể biến động
khó lường, những người đang có nhu cầu vay để mua nhà cần cân nhắc kỹ lưỡng, nếu
vay phải yêu cầu nhân viên NH tư vấn rõ ràng, cụ thể, không nên “ngợp” trước ưu
đãi lãi suất trong thời gian vay đầu tiên mà vội vàng quyết định!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.